Văn hóa- Xã hội
Ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 55-CT/TW năm 2000 nhằm đảm bảo cho thế hệ trẻ Việt Nam được phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu được những tinh hoa của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chủ động phòng ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực mới đối với trẻ em
Một trong các nhiệm vụ cần phải thực hiện theo Chỉ thị 55-CT/TW năm 2000 là hàng năm phải tổ chức "Ngày gia đình" trong tháng hành động vì trẻ em (từ 15-5 đến 30-6), nhằm thúc đẩy phong trào toàn xã hội xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.
Đến ngày 4/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTg năm 2001, lấy ngày 28/6 hàng năm làm "Ngày Gia đình Việt Nam".
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào? Ngày Gia đình Việt Nam rơi vào thứ mấy? (Hình từ Internet)
Việc tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm có ý nghĩa ra sao?
Tại Điều 2 Quyết định 72/2001/QĐ-TTg năm 2001 có nêu như sau:
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức thống nhất trong toàn quốc. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo tổ chức thực hiện những hoạt động thích hợp với một chủ đề cụ thể và thiết thực, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc".
Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí để tổ chức những hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam trong dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao hàng năm; khuyến khích việc huy động các nguồn lực khác ở trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện những hoạt động này.
Theo quy định trên thì gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em.
Việc nhà nước tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm là nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc".
Từ đó tạo ra một gia đình chuẩn mực, nơi mà trẻ em sẽ được đảm bảo về sức khoẻ, học tập, đời sống văn hoá tinh thần cho sự phát triển sau này.
Để phát động phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc thì nhà nước cần truyền thông vận động xã hội những nội dung gì?
Theo Điều 3 Thông tư 07/2001/TT-BVCSTE, để phát động phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc thì nhà nước cần truyền thông vận động xã hội những nội dung sau:
- Tuyên truyền sâu rộng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về gia đình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức diễn đàn, biểu dương, khen thưởng;
Tổ chức các cuộc gặp mặt những gia đình có thành tích trong việc chăm sóc người già, nuôi dạy con tốt, giữ gìn thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, nghe nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình, giúp gia đình xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
- Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực đạo đức, pháp lý trong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, gắn với cam kết, quy ước của gia đình và các thành viên trong gia đình.
- Hướng dẫn kỹ năng, phương pháp phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con tốt; giải quyết các bất hoà trong gia đình và cộng đồng, ngăn chặn hành vi bạo lực, thiếu văn hoá, nhất là với người già, phụ nữ và trẻ em;
Trang bị các kỹ năng ứng xử tiến bộ, lành mạnh cho các thành viên trong gia đình; phát hiện và động viên các gia đình kiểu mẫu và phê phán các gia đình thiếu trách nhiệm đối với các thành viên trong gia đình và xã hội.
- Phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các ngành, đoàn thể để giáo dục trẻ em, nhất là đối với những trường hợp cá biệt; chú trọng giáo dục cho trẻ em tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, những giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống cách mạng của dân tộc và mỗi địa phương.
- Biên tập, xây dựng tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương, đồng thời phổ biến các tài liệu về luật pháp, chính sách có liên quan đến gia đình cho cơ sở và gia đình
Nguồn: Báo Pháp Luật.